Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp lẫn nhập khẩu trong tháng 4/2023 có xu hướng sụt giảm.
Tồn kho nhiều, hãng xe giảm sản lượng
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tháng 4/2023, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp ước đạt 29.400 chiếc, giảm khoảng 2.000 xe so với thực hiện tháng trước đó.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023, ước tính các doanh nghiệp ô tô đã sản xuất lắp ráp đạt sản lượng 109.500 xe, sụt giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ ô tô lắp ráp mà lượng xe nhập khẩu tháng 4 cũng có xu hướng giảm khi ước tính chỉ có 12.500 chiếc. Trong khi tháng trước, con số này là 15.000 chiếc.
Tuy kết quả giảm như đã nêu ở trên song tính 4 tháng đầu năm, ô tô nhập khẩu ước tính đã tăng tới 47,6% về lượng và gần 33% giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, trước sức mua kém của thị trường, dường như các doanh nghiệp đã phải giảm công suất để tránh áp lực tồn kho lớn như dự báo.
Theo nhiều báo cáo cho thấy, sức mua ô tô giảm khiến nguy cơ tồn kho tăng cao đang hiện hữu ở Việt Nam. Để giảm áp lực tồn kho, đại lý, hãng xe để cải thiện sức mua đã ưu đãi lớn đồng loạt. Doanh nghiệp dự báo nếu không giảm được áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động – việc làm, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Thậm chí, trong một văn bản kiến nghị trước đó gửi tới Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương và Tài chính, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) còn cho biết tình trạng tồn kho “diễn ra nghiêm trọng hơn nhiều với các nhà nhập khẩu và đại lý CBU” sau khi dẫn lời của VAMA rằng “các doanh nghiệp đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột”.
Lên phương án giảm lệ phí trước bạ ô tô, có cả xe nhập khẩu
Cuối tháng 4/2023 vừa qua, Bộ Công thương tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ, xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc giảm 50% mức thu LPTB.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm mức thu LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Điều này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương. Hơn nữa, chính sách này cũng có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Do đó, Bộ này đánh giá, việc giảm mức thu LPTB đối với ô tô chưa đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.
Từ lập luận trên, Bộ Tài chính kiến nghị, chưa nên giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Còn nếu trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án lựa chọn, có cân nhắc đến việc sụt giảm NSNN.
Phương án 1, giảm 50% mức thu LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án này làm giảm thu NSNN khoảng 8 – 9 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Phương án này làm giảm thu NSNN khoảng 15 – 16 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính lưu ý, nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm mức thu LPTB theo một trong hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng nghị định giảm mức theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng thời, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Minh Thành Auto – Phim Cách Nhiệt Hàng Đầu Hải Phòng
- Hotline: 0962 00 5555
- Địa chỉ: 168-170 Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng
- Fanpage: https://www.facebook.com/minhthanhllumar